Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Những bí ẩn chưa có lời giải ở chùa Dơi

Đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi ở Sóc Trăng nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp và độc vào bậc nhất.
Chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 3 km về hướng đông nam. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa cổ hơn 400 tuổi, mà còn được hòa mình vào thiên nhiên huyền bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.
Kiến trúc độc đáo
Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Nếu như cổng chính trang trí đơn giản, thì ở cổng phụ gác hai bên là rắn khổng lồ 5 đầu đang phồng mang trợn mắt như chờ chực đớp, khiến nhiều người phải giật mình, e sợ.
oivietnam-1-8324-1385973893.jpg
Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng. Ảnh: yesvietnam.
Nhưng chỉ cần mạnh dạn bước tiếp vào trong, bạn sẽ được chào đón bằng nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện. Bên trong đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5 m, ngự trên một tòa sen cao, xung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, mang phong cách dân gian.
Bạn cũng sẽ bắt gặp ở đây họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo. Ngoài gian chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố và nhà ở của các sư, nhà hội Sa La.
Sức thu hút của chùa Dơi còn nằm ở khu vườn rộng mênh mông với vô vàn loại cây cổ thụ xen lẫn những loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt. Du khách có thể thỏa sức thả bộ trong vườn và tận hưởng không gian mát rượi. Đặc biệt ở đây còn có một hồ nước kè bằng đá, tạo cảm giác yên lành, thanh tịnh. Đứng trên bờ chỉ cần vỗ tay, cá dưới hồ sẽ ngoi lên và tranh nhau đớp mồi khi khách tham quan thả thức ăn xuống nước.
Nơi cư trú của loài dơi
nang-xanh-6362-1385973893.jpg
Những chú dơi vắt vẻo trên cây trong khuôn viên chùa như cây trái trên cành. Ảnh: nangxanh.
Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Mã Tộc là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.
Dơi ở chùa chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng 1 - 1,5 kg và sải cánh rộng đến 1,5 m. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn.
Vì thế, khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh ở chùa rộn ràng khác lạ, với âm thanh náo động của bầy dơi vỗ cánh, gọi đàn đi kiếm ăn đêm. Kỳ lạ thay, chúng bay thành hàng và lượn vài vòng trên bầu trời khu vực chùa chứ không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện. Dù chưa thể giải thích vì sao nhưng nhiều người liên tưởng điều này giống như lời cầu khẩn đức Phật ban phước lành của bầy dơi trước khi đi.
otosaigon-9933-1385973893.jpg
Khu mộ của những chú lợn 5 móng ở chùa Dơi. Ảnh: otosaigon
Ngoài dơi, những câu chuyện truyền tai về loài lợn 5 móng khiến ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng càng chìm đắm trong sắc màu bí ẩn. Theo người Khmer thì lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người, họ tin rằng gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh, lục đục, vì bị con heo "thành tinh" này quấy phá. Vì vậy, từ hơn 20 năm trước, lợn 5 móng đã được gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc.
Dù những câu chuyện này thật hư chưa sáng tỏ nhưng khi đến đây, bạn sẽ được tham quan khu mộ của những chú lợn 5 móng nằm khuất sau chùa. Nhiều người ngày nay tin rằng thành khẩn thắp nhang cầu khấn ở đây sẽ được các “dị nhân” hiển linh ban cho những con số thần tài, độc đắc. Nếu có đôi chút tò mò về loài lợn 5 móng, bạn có thể đi theo cổng sau của chùa Dơi, rồi băng qua con đường nhỏ cách 50 m để mục sở thị tại "nhà" nuôi.
Vy An
Vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét